Cacao lần đầu tiên được phát triển như một loại cây trồng trong nhiều nền văn hóa Nam Mỹ cổ đại, tiêu biểu là người Aztec và người Maya. Người Maya tin rằng cây cacao là một món quà mà Thượng Đế ban tặng, do đó cacao được mệnh danh là “Thức ăn của các vị thần” (Food of the Gods).
Từ “sô cô la” hiện đại bắt nguồn từ hai từ trong tiếng Nahuatl, ngôn ngữ được nhiều nhóm bản địa sử dụng: chocolatl, được dịch theo nghĩa đen có nghĩa là “nước nóng” và cacahuatl, dùng để chỉ một loại đồ uống đắng làm từ ca cao được dùng chung trong các nghi lễ tôn giáo. Hạt cacao có ý nghĩa quan trọng đối với các nền văn hóa địa phương đến nỗi nó được sử dụng như một loại tiền tệ trong thương mại, được trao cho các chiến binh như một phần thưởng sau trận chiến và được phục vụ trong các bữa tiệc hoàng gia. Khi người Tây Ban Nha chinh phục Tân Thế Giới, trong quá trình giao thoa giữa hai nền văn hoá, họ cũng phát hiện ra giá trị quý báo của cây cacao. Họ đã cải tiến cách sản xuất & sử dụng sản phẩm đồ uống từ cacao, cho thêm đường & gia vị để làm giảm vị đắng của thức uống. Kể từ đó, cacao được biết đến rộng rãi khắp Tây Ban Nha và họ đã giữ kín bí mật công thức này đối với phần còn lại của Châu Âu hơn 100 năm. Tuy nhiên, người Tây Ban Nha cũng không thể giữ mãi bí mật tuyệt vời này cho riêng dân tộc mình. Cuối cùng, thức uống chocolate cũng được lan truyền tới các nước còn lại của Âu Châu. Tại Anh, Pháp chocolate được phục vụ độc quyền trong các “chocolate house” và được xem là thức uống cho giới thượng lưu, tầng lớp ưu tú của xã hội.
Đồ uống chocolate được xem như một thức uống vừa ngon, vừa dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ và đặc biệt là có tác dụng tốt đến khả năng sinh lý. Tính nguyên bản của thức uống từ chocolate đã giảm đi kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, chocolate được sản xuất nhiều hơn nhờ các cỗ máy chạy bằng hơi nước và với sự xuất hiện lần đầu tiên của chocolate thanh “chocolate bar” vào năm 1850, phát minh bởi Joseph Fry. Sáu mươi năm sau, nghệ thuật tạo ra bánh kẹo sô cô la với nhân có hương vị – được nhà phát minh người Bỉ, Jean Neuhaus II – gọi là pralines – đã ra mắt công chúng. Từ đó, ngành công nghiệp sô cô la và cacao bùng nổ và nhanh chóng lan rộng khắp thế giới.
Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển hàng thế kỷ, cacao vẫn luôn giữ nguyên vẹn giá trị & sự hấp dẫn khó cưỡng từ thuở ban đầu, và ngày càng có thêm nhiều người mộ điệu loại thực phẩm này trên khắp thế giới. Cho đến đầu thế kỷ XX, chocolate và các món làm từ cacao đã trở thành một nét văn hóa của nền ẩm thực Châu Âu và lan rộng ra khắp thế giới. Ngày nay, 4,5 triệu tấn hạt cacao được tiêu thụ hàng năm dưới các hình thức khác nhau từ chocolate đến bánh, kẹo, các món tráng miệng. Có thể nói, từ khi phát hiện ra cacao, những người Nam Mỹ cổ đại cũng khó có thể tưởng tượng được rằng có một ngày sản phẩm của họ có thể được biết đến và sử dụng rộng rãi như vậy.